Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Hán Văn Tình

9/6/2016 8:19:31 AM
Nghệ sĩ Hán Văn Tình là một trường hợp hết sức đặc biệt của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ông không chỉ nổi danh trên sân khấu truyền thống mà còn được biết đến nhiều với những vai diễn trong các bộ phim nhựa, tiểu phẩm hài và phim truyền hình.

 

Nghệ sĩ Hán Văn Tình là một trường hợp hết sức đặc biệt của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ông không chỉ nổi danh trên sân khấu truyền thống mà còn được biết đến nhiều với những vai diễn trong các bộ phim nhựa, tiểu phẩm hài và phim truyền hình.

NSƯT Hán Văn Tình, sinh năm 1957 tại Văn Lang Tam Nông - Phú Thọ. Ông bén duyên với nghiệp diễn từ năm 1973 khi bắt đầu theo học trường đào tạo Sân khấu Hà Nội Sau bốn năm học, ông ra trường và về Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam). Ông từng là trưởng đoàn nghệ thuật 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam, trước khi chính thức nghỉ hưu vào đầu năm 2016.

Tuy xuất thân là một nghệ sĩ ưu tú của sân khấu tuồng, song nghệ sĩ Hán Văn Tình lại được khán giả biết đến nhiều hơn với các vai diễn ấn tượng trong điện ảnh, nhất là hình ảnh người nông dân, hiền lành, chất phác. Ông từng tham gia rất nhiều bộ phim truyền hình ăn khách, khi thì ông hóa thân thành lão chủ xóm trọ ki bo, bủn xỉn. Lúc lại vào vai kẻ trộm gà tinh quái, ranh ma. Mỗi nhân vật qua diễn xuất của Hán Văn Tình đều chân thực và để lại ấn tượng sâu sắc. Nhắc đến sự nghiệp phim ảnh của ông, khán giả được trải qua hết thảy các cung bậc cảm xúc: vừa thương, vừa giận, vừa buồn cười.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình từng đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá: Huy chương Bạc vai Lý Đại Hỷ trong vở Tuồng "Hoàng Hôn Đen", Huy chương Bạc vai Thổ Công trong vở Tuồng "Bạch Tinh", Huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam" do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng

Những vai diễn để đời của NSƯT Hán Văn Tình

Chu Văn Quềnh trong ‘Đất và người’

Năm 2002 khi bộ phim Đất và Người phát trên sóng truyền hình, cái tên Chu Văn Quềnh ngay lập tức trở thành “cơn sốt". Câu nói “không nên hoãn sự sung sướng đó lại” trong phim trở thành khẩu ngữ thông dụng mà đến hôm nay nhiều người vẫn sử dụng như một cách nói hài hước. Dù vào vai một anh nông dân nghiện rượu và hành động theo quán tính nhưng nhờ lối diễn xuất nhập vai chân chất, mộc mạc, hài hước khiến nghệ sĩ Hán Văn Tình được khán giả vô cùng yêu thích.

Những câu thoại đã trở thành thương hiệu của “bác Quềnh” như “Không thể hoãn cái sự sung sướng đó lại” hay điệu hát “Tình cốp tình cốp tình tình cốp” một thời trở thành câu cửa miệng của nhiều khán giả.Vai diễn đã thành công, Chu Văn Quyền được gắn chặt vào cái tên thật Hán Văn Tình và để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

‘Ông chủ xóm trọ’ trong ‘Phía trước là bầu trời’

Đây là lần hiếm hoi, Hán Văn Tình hóa thân vào một vai diễn ‘phố xá’. Không còn quanh quẩn lũy tre làng, ông trở thành chủ của xóm trọ với gần chục phòng cho sinh viên thuê giữa đất thủ đô. Đó là một ông chủ khó tính, ki bo và bần tiện. Khán giả chắc hẳn bức xúc khi chứng kiến cảnh Hán Văn Tình ‘ăn gian’ của người trọ một vài số điện. Hay việc ông hét giá ‘trên trời’ cho mỗi lần đám Nguyệt, Thương sang gọi nhờ điện thoại. Năm 2001, bộ phim ‘Phía trước là bầu trời’ tạo nên cơn sốt trong giới trẻ.

Ông Sở trong ‘Bão qua làng’

Vẫn chủ đề nông thôn thời kỳ đổi mới, ‘Bão qua làng’ là bộ phim đề cập nhiều vấn đề nhức nhối khiến người xem không khỏi suy ngẫm. Trong phim, Hán Văn Tình vào vai lão chủ quán thức ăn chín xấu tính, nhiều chuyện tên ‘Sở’.

Từ khi cái quán của ‘Sở’ được mở ra, chị em phụ nữ trong làng chẳng còn thiết chuyện nấu ăn, nội trợ. Tới bữa, họ ùn ùn kéo đến mua bán qua quýt rồi ‘đẩy đưa’ những chuyện vô thưởng phạt của thiên hạ. Không chỉ ‘làm hư phụ nữ’, quán thức ăn này còn là cái ‘trạm thông tin’ cho ‘đám đàn bà’ ưa tọc mạch, đưa chuyện.

Một lần nữa, Hán Văn Tình lại thành công với lối diễn như không diễn. Cái đầu trọc, hàng ria mép và nụ cười đầy thâm ý của ông đã giúp khán giả dễ dàng hình dung ra những thói xấu của một bộ phận tiểu thương đam mê lợi ích tới mờ mắt

Ngoài các bộ phim truyền hình, nghệ sĩ Hán Văn Tình từng tham gia diễn xuất trong một vài bộ phim điện ảnh như Lão Trọc trong "Canh bạc" hay Vàng Đọ trong "Vụ ép phe Đông Dương". Ngoại hình, đôi mắt và đặc biệt là thần thái khi diễn xuất của Hán Văn Tình luôn khiến khán giả dễ dàng nhớ đến dù anh chưa từng được thủ vai chính trong phim truyện nhựa.

Là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng phía Bắc nhưng NSƯT Hán Văn Tình lại có cuộc sống không mấy khá giả, thậm chí có phần khó khăn so với các đồng nghiệp của mình. Dù tham gia nhiều bộ phim truyền hình được trình chiếu trên cả nước và chăm chỉ hoạt động nghệ thuật nhưng "cái nghèo" vẫn luôn đeo đẳng ông.

Trong suốt quãng thời gian hoạt động nghệ thuật, Hán Văn Tình tham gia rất nhiều hoạt động như diễn tuồng, đóng phim, tham gia quảng cáo, làm MC truyền hình và thậm chí cả các việc lao động như sửa xe, bơm vá.

NSƯT Hán Văn Tình từng chia sẻ ước mơ của ông là “tậu” được một chiếc ô tô để đi lại lúc mưa gió hay đưa vợ con về quê ăn Tết. Nhưng ông ngậm ngùi bảo mưu sinh thời buổi công chúng không còn mấy mặn mà với tuồng không hề đơn giản, nếu không muốn nói là vô cùng khó khăn. “Nhiều năm trước, tôi cùng anh em thường tham gia vào các đoàn lưu diễn, không ít lần kiếm được vài triệu mỗi đêm, cuộc sống gia đình lúc bấy giờ nhờ thế mà bớt phần khó khăn. Tuy nhiên những năm gần đây, thị hiếu công chúng thay đổi cộng với lịch của nhà hát nên diễn không được nhiều” – ông chia sẻ.

Ngót nghét 40 năm theo đuổi nghệ thuật nhưng gia đình bốn người của nghệ sĩ Hán Văn Tình vẫn sống trong ngôi nhà cất tạm trên một mảnh đất ruộng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cuộc sống bình dân, giản dị. Đến tận tết 2016, vợ ông mới dành dụm để sửa sang nhà cửa cho tươm tất hơn, tuy vậy nhà vẫn chưa có nước máy.

Nhờ sự giúp đỡ của mọi người và cố gắng của bản thân, Hán Văn Tình đã mua được chiếc xe hơi như mơ ước thuở nào. Nhưng từ khi ông đổ bệnh, chiếc xe hơi cùng nằm im trước cổng nhà.

Sau nhiều lần kiên cường chống chọi với bệnh ung thư phổi, nam diễn viên NSƯT Hán Văn Tình đã ra đi vào lúc 11h20 phút ngày 4/9 tại nhà riêng ở Hà Nội, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho đồng nghiệp và khán giả xem truyền hình. Gia đình, bạn bè thân thiết cùng các sư thầy sẽ tụng kinh niệm Phật trong 24h để cầu mong ông siêu thoát. Sau đó, gia đình đưa ông lên Nhà tang lễ Phùng Hưng để tổ chức lễ tang.

Tổng hợp

Các tin khác