Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử cho thế hệ trẻ

12/12/2014 2:40:24 PM
Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối việc giáo dục thế hệ trẻ. Nó sẽ giúp học sinh hiểu biết về quá khứ, cội nguồn của dân tộc, giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

 

 

Có nhiều người nhận thức được điều này, song trên thực tế qua nhiều năm gần đây, kết quả học tập và thi cử môn Lịch sử vẫn chưa tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của môn học này. Vậy các cơ quan Nhà nước và đội ngũ giáo viên phải làm thế nào để kích thích niềm yêu thích môn Lịch sử và khuyến khích chúng ham học, chủ động tìm hiểu kiến thức về môn học này hơn?

 

 

Từ thực tế đáng buồn về môn Lịch sử…

 

Trong nhiều năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên “ngán” học môn Sử, sợ thi môn Sử và sự yếu kém về tri thức lịch sử đã khiến xã hội lại bàn đến nỗi lo “mất gốc” của giới trẻ. Đặc biệt, từ khi Bộ GD&ĐT siết chặt kỷ cương trong thi cử thì những hiểu biết mơ hồ, những nhận thức lệch lạc về kiến thức lịch sử càng có dịp lộ ra rõ rệt hơn. Phải chăng, môn Sử chưa được đối xử một cách bình đẳng so với các môn học, môn thi khác trong trường phổ thông?

 

Rất nhiều giáo viên than phiền về thái độ coi thường các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Sử. Ở nhiều trường, Ban Giám hiệu đều cho rằng, đây là môn học thuộc, không cần chú trọng và đầu tư nhiều. Khi nào thi tốt nghiệp thì mới cần tăng một số tiết, nếu không thi thì cắt giảm số tiết để nhường cho các môn học khác. Để đảm bảo chương trình và nội dung, giáo viên chỉ cần cho học sinh chép và học thuộc những nội dung bài trong sách giáo khoa là đủ. Vì quan điểm phi khoa học đó nên đã hình thành thói quen kiểu dạy học đối phó, thi đối phó trong tư tưởng mỗi học sinh.

 

Thẳng thắn mà nói, lịch sử Việt Nam cũng trải qua những giai đoạn hào hùng, bi tráng, có sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo liệt xuất hay những anh hùng tài ba không thua kém gì lịch sử Mỹ, Trung Quốc… Vậy tại sao hầu hết thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ lại “thuộc lòng” lịch sử các nước khác hơn cả nước ta?! Ấy là phải kể đến hệ thống chương trình cùng phương pháp giáo dục môn học này chưa được định hướng một cách cẩn thận, hợp lý, tạo được sự hứng thú cho các bậc học.

 

 

…đến những người giáo viên đam mê tìm tòi phương pháp giảng dạy mới

 

Về dạy môn Lịch sử tại trường THPT Tam Dương từ năm 2006, hơn 8 năm qua cô Lý luôn nỗ lực, tìm tòi phương pháp giảng dạy mới để truyền đạt cho các học sinh hiểu bài nhanh nhất, hiệu quả nhất. 

 

Trong quá trình giảng dạy, cô luôn để các em học môn Lịch sử bằng sự yêu thích và tự giác chứ không tạo áp lực. Đặc biệt, để các em có hứng thú với môn học này, cô áp dụng phương pháp tích hợp, sâu chuỗi, liên kết kiến thức môn Lịch sử với các môn học như: Ngữ văn, Địa lý, Tin học, Giáo dục công dân, Rèn luyện kỹ năng sống, Giáo dục bảo vệ di sản văn hóa địa phương… để học sinh tiếp thu kiến thức, biết vận dụng kiến thức lịch sử vào cuộc sống và ngược lại từ cuộc sống để giải quyết các vấn đề liên quan đến lịch sử.

 

Cô Lý cho biết, để áp dụng được phương pháp này, giáo viên cần có chuyên môn tốt và phải hiểu biết về kiến thức liên ngành. Đặc biệt, khi dạy theo chủ đề, giáo viên phải đầu tư thời gian, tâm sức để soạn bài giảng vừa đủ thời gian 45 phút lên lớp, đảm bảo lượng kiến thức cần cung cấp cho học sinh. Ví dụ, môn Lịch sử lớp 12, trong bài “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954)”, giáo viên có thể kết hợp liên môn Địa lí, Văn học, chỉ rõ trên bản đồ vị trí, địa lí của Điện Biên Phủ, từ đó học sinh có thể hình dung địa thế của Điện Biên Phủ. Hoặc liên môn Văn học, giáo viên có thể miêu tả những khó khăn, gian khổ của quân dân ta trong chiến dịch lịch sử này bằng việc trích dẫn câu thơ của Tố Hữu:

 

“…Năm mươi sáu ngày đêm

 

Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.

 

Máu trộn bùn non,

 

Gan không núng, chí không mòn...”

 

Theo cô Lý, trước đây, việc dạy và học môn Lịch sử dường như quá khô khan và cứng nhắc, thêm nữa là áp lực của việc thi cử khiến các em chủ yếu là học thuộc lòng cốt yếu để thi qua môn, học mà không hề hiểu, thậm chí không thể nhớ, dần dần các em học sinh nảy sinh tâm lý sợ học môn Lịch sử. Để trả lại vị thế cho môn Lịch sử, giáo viên là nhân tố quyết định nhen lên và giữ ngọn lửa cho học sinh chứ không phải đưa môn này thành môn học chính hay là môn thi tốt nghiệp. 

 

 

Cô Lý và các học sinh trường THPT Tam Dương.

 

Về dạy học ở trường Nguyễn Trãi từ năm 2005, cô Quyên được biết đến là một giáo viên trẻ ham tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Cô giáo Quyên chia sẻ, cô rất yêu thích những đề tài đổi mới phương pháp dạy học ngay từ những năm còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm thứ 2 đại học, Quyên đã tham gia nhiều đề tài khoa học về đổi mới phương pháp. Cô tốt nghiệp với khóa luận bốn điểm 10 cho đề tài “Tổ chức dạ hội Lịch sử cho học sinh” - một hoạt động ngoại khóa để khuyến khích học sinh yêu thích môn Sử.

 

Thời kỳ đầu về trường Nguyễn Trãi, Quyên hào hứng áp dụng phương pháp nâng cao hiệu quả bài học lịch sử thông qua việc cho học sinh thuyết trình, nhưng tư duy mới của cô giáo trẻ gặp không ít những ý kiến trái chiều của đồng nghiệp. Nhưng được Ban Giám hiệu, trực tiếp là thầy Hiệu trưởng khuyến khích và chính sự hứng thú của học sinh sau từng bài giảng đã thêm sức mạnh cho Quyên đi tiếp.

 

Yêu thích ứng dụng công nghệ vào dạy học nên Quyên tận dụng tối đa việc đăng ký sử dụng phòng học đa năng – nơi có trang bị máy chiếu, để giảng bài cho học sinh. Những hôm nào phòng được bộ môn khác sử dụng, cô chuyển sang minh họa bài giảng bằng tư liệu tranh, ảnh. Quá trình tìm tòi cách dạy học sáng tạo cũng đã giúp Quyên tích lũy được một ổ cứng nhiều phim tư liệu của Việt Nam và thế giới, các phần mềm dạy lịch sử cổ trung đại cùng rất nhiều tấm bạt in tranh, ảnh, bản đồ về bộ môn Sử.

 

Theo cô, nội dung sách giáo khoa cũng nên thay đổi theo hướng ít sự kiện hơn, tập trung vào sự kiện mang tính mốc son của từng thời kỳ. Còn về hình thức, nên tăng hình ảnh, giảm chữ. Với hướng đó, Quyên tin học sinh sẽ thích môn học hơn, từ đó giáo viên cũng “có nhiều đất diễn hơn.”

 

Việc đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy, cũng cần đồng bộ với đổi mới cách ra đề thi với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Theo đó, tỷ lệ câu hỏi phát triển tư duy sáng tạo của học sinh cần tăng lên, đặc biệt là luôn có yêu cầu học sinh tìm sự liên hệ giữa lịch sử trong nước và thế giới, biết được thế giới đang phát triển ra sao và Việt Nam đang đứng ở đâu trong sự phát triển này.

 

Vẫn biết rằng, việc thay đổi một hệ thống giáo dục môn Lịch Sử tồn tại nhiều năm nay không thể nóng vội và làm trong một sớm một chiều. Làm thế nào để học và thi tốt môn Sử? Câu hỏi này không chỉ của riêng người dạy Sử, học Sử. “Đừng coi môn Lịch Sử là “môn phụ” và hãy trả lại vị trí cho môn Lịch Sử” - nói và làm theo tinh thần đó chính là căn nguyên đầu tiên giúp học sinh không chán Sử, đam mê Sử và giỏi Sử một cách tự nguyện, ý thức hơn.

 

Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác