Kinh tế Việt Nam và những triển vọng năm 2015

1/13/2015 12:11:43 AM
Nhìn từ những con số và diễn biến chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2014 có thể nhận thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn và thách thức. Vậy kinh tế năm 2015 sẽ chuyển biến ra sao?

 

 

Những mục tiêu đặt ra cho năm 2015 như GDP đạt 6,2%, lạm phát xoay quanh mức 5% dựa trên cơ sở nào? Chúng ta cần phải làm gì để có thể hoàn thành những chỉ tiêu đã nêu? Và bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ có triển vọng ra sao?

 

Nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành

 

Năm 2014 là năm đầu tiên trong nhiều năm chúng ta hoàn thành được chỉ tiêu về kinh tế xã hội đã đặt ra, riêng chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng thì thấp hơn kế hoạch - điều này cho thấy dự báo của cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô của cả nước có bước tiến. Trước đây chúng ta dự báo kinh tế một đằng nhưng thực tế tốc độ tăng trưởng lại thấp hơn một nẻo.

 

Năm 2014 có nhiều tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến kinh tế của chúng ta, như sự kiện Trụng Quốc kéo Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam hay chiến sự tại Ukraine. Sau các sự kiện ở Bình Dương và Hà Tĩnh, chúng ta đã có ứng xử phù hợp với tình hình, củng cố được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

 

 

Kinh tế có những dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng nhờ nỗ lực của Đảng và các bộ, ngành

 

2014 cũng chứng kiến những đột phá so với những năm trước đến từ giải ngân đầu tư công và vốn ODA đạt mức khá, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt được tốc độ mà nhiều nước trong khu vực đang phấn đấu. Một điểm nữa là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vấn đề an sinh xã hội của chúng ta đã được cải thiện hơn một bước so với năm 2013. Nếu so với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và ổn định đời sống của nhân dân thì hai chỉ tiêu đầu đã đạt được.

 

GDP tăng trưởng khá

 

Tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2014, nếu so về chỉ số tốc độ đơn thuần thì Việt Nam ở nhóm trung bình trong ASEAN, nhưng nếu so về tốc độ tăng tuyệt đối thì chúng ta tăng chậm hơn các nước bạn.

 

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quanh ngưỡng 5.9% phải đặt vào bối cảnh có hơn 213.000 doanh nghiệp đã báo là không có doanh thu và không có hoạt động phát sinh thuế trong năm 2014. Nếu chúng ta xử lý tốt việc hỗ trợ cho 213.000 doanh nghiệp đó, tiềm năng để nền kinh tế phát triển với tốc độ cao hơn nữa là vẫn còn.

 

Mức tăng trưởng GDP 6,2% và kiềm chế lạm phát xoay quanh mức 5% trong năm 2015 được đề ra dựa trên số lượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn và dựa trên hệ thống chính sách đã ban hành trong năm 2014 để tạo ra cú hích hỗ trợ cho 213.000 doanh nghiệp khó khăn vượt qua được thử thách này.

 

Thêm nữa, nếu Việt Nam đặt mức độ lạm phát như mức độ của các nước trong khu vực đang ổn định thì chúng ta sẽ khó trong điều hành tỷ giá, đầu tư công và khó để đưa kinh tế vượt lên. Mức GDP 6,2% còn dựa trên yếu tố là với tổng nợ công của chúng ta cuối năm 2015 đạt khoảng 64% GDP thì sẽ có một số công trình dự án đi vào hoạt động và nó sẽ tạo ra cú hích.

 

Hoạt động của thị trường tiền tệ

 

Từ tháng 1-9/2014, Việt Nam đã vượt qua được khó khăn và điều hành thị trường theo như mong muốn. Đó là việc chúng ta dần loại trừ vàng và ngoại tệ như là phương tiện thanh toán mà tập trung vào đồng Việt Nam và bảo vệ được giá trị của đồng Việt Nam. Điều đáng chú ý là những tháng cuối năm, tỷ giá có biến động nhưng nhìn chung cả năm 2014, tỷ giá đã ổn định do chúng ta đã có nguồn dự trữ ngoại hối đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực còn cao và đây là nhiệm vụ mà chính sách tiền tệ cần hướng tới để điều chỉnh trong năm 2015.

 

Chuyển giao thách thức không còn mù mờ

 

Chuyển giao thách thức của năm 2014 sang năm 2015 có thể nói rõ rệt hơn nhiều so với cách đây một năm trước.. Nếu có lo lắng, thì đó là lo lắng về rủi ro đến vì năng lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện của chúng ta. Nhưng sự rủi ro này, nếu có, thì cũng không chỉ do lỗi điều hành của riêng Chính phủ. Vì vậy, tất cả địa phương, các bộ, các ngành, các cấp và chính người dân, doanh nghiệp cần cùng chung sức để ứng phó với những thách thức này.

 

Một trong những thách thức lớn của năm 2015 là một số cân đối vĩ mô còn rất khó khăn nhất là về thu chi ngân sách trong điều kiện nợ công đã gần chạm trần và giá dầu thô giảm sâu và kéo dài. Tuy chúng ta vẫn bảo đảm, nhưng phải có những giải pháp căn cơ hợp lý hơn để những cân đối này không còn là thách thức cho những năm về sau. Như đối với cân đối ngân sách, nếu chúng ta có cơ cấu hợp lý, chi thường xuyên khoảng 50%, khoảng 25-30% cho đầu tư, còn 15-20% cho trả nợ là cực kỳ phù hợp. Nhưng hiện nay cân đối ngân sách đến năm 2014 chi cho bộ máy, cho con người, cho thường xuyên tới trên 67%, phần còn lại cho đầu tư, phần cho trả nợ rất ít.

 

 

Nợ xấu vẫn đang là vấn đề nan giải trong năm 2015

 

Những thách thức nữa là tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm.Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Qua báo cáo của Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có thuế thu nhập để nộp thuế khá thấp, chỉ khoảng 30%. Nợ công của Việt Nam còn cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, khiến ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều.

 

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, chúng ta có thể nhìn thấy từ tháng 1-8/2014, nợ xấu có xu hướng tăng cao xoay quanh mức 4 - 4,1% nhưng trong bốn tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 khi thực hiện các chính sách điều tiết, ta đã dần hạn chế được nợ xấu về mức khoảng 3%.

 

Cơ hội trong năm 2015

 

Để thực hiện Hiến pháp năm 2013, trong năm 2014, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản Luật liên quan đến vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội như Luật đầu tư công, Luật phá sản, Luật doanh nghiệp sửa đổi... Như vậy, hệ thống pháp luật kinh tế được sửa đổi theo hướng phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, trong năm 2015, hàng loạt những hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết và đi vào hoạt động cũng mở ra cho chúng ta khả năng phát triển thị trường khá hơn.

 

Về giải pháp, ở đây đòi hỏi cả hai phía, thứ nhất là đối với Chính phủ là người điều hành trực tiếp thì phải chọn được những ngành, lĩnh vực, khâu đột phá, không thiên quá vào vai trò của một Chính phủ sản xuất mà phải thực hiện tốt vai trò Chính phủ là người điều phối, điều hành nền kinh tế, hạn chế can thiệp trực tiếp của Chính phủ phủ với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp.

 

Thứ hai là từ phía doanh nghiệp phải nhìn các bước đi của doanh nghiệp FDI để chúng ta chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới có thể tạo ra được thị trường và mới có thể hình thành được sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nếu chúng ta cứ tiếp tục loanh quanh trong khu vực của chúng ta như thế này, với tư duy, cách quản trị doanh nghiệp như hiện nay thì sẽ rất khó bắt nhịp được với tiến bộ của khu vực.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác