Trải nghiệm những nơi thờ cúng linh thiêng ở Côn Đảo

11/3/2015 5:31:55 PM
Giữa vùng biển ở phía Nam Tổ quốc, Côn Đảo là hòn đảo lớn nhất nằm giữa quần thể 16 đảo lớn nhỏ có rất nhiều nơi thờ cúng linh thiêng. Đến với Côn Đảo, nơi đây từng tấc đất, từng hàng cây, mỗi bước chân ta đi đều như có sự lẩn khuất linh hồn những chiến sỹ đồng bào đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước.

 

Giữa vùng biển ở phía Nam Tổ quốc, Côn Đảo là hòn đảo lớn nhất nằm giữa quần thể 16 đảo lớn nhỏ có rất nhiều nơi thờ cúng linh thiêng. Đến với Côn Đảo, nơi đây từng tấc đất, từng hàng cây, mỗi bước chân ta đi đều như có sự lẩn khuất linh hồn những chiến sỹ đồng bào đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước.

 

Sự linh thiêng ấy ẩn chứa trong một thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đến nao lòng người

 

Côn Đảo là nơi đến của du lịch tâm linh bởi ở Côn đảo tương truyền có 2 vị nữ thần được dân đảo suy tôn và thờ phụng là bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) và chị Võ Thị Sáu liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

 

Vị thần nữ của đảo được người dân thờ phụng là bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Tương truyền năm 1783, Nguyễn Ánh thua quân Tây Sơn và bỏ chạy ra Côn Đảo. Biết chồng có ý định cầu người Pháp đánh quân Tây Sơn, bà Phi Yến khuyên can liền bị Nguyễn Ánh nổi giận, giam vào hang núi trên đảo. Bị quân Tây Sơn dồn đuổi tiếp, Nguyễn Ánh bỏ chạy. Trên đường đi, nghe tiếng khóc đòi mẹ của Hoàng tử Hội An, Nguyễn Ánh đã thẳng tay ném cậu con trai xuống biển. Xác Hoàng tử Hội An trôi dạt vào làng Cổ Ống ở Côn Đảo, được người dân vớt, chôn cất tử tế và lập miếu thờ tên gọi “Thiếu gia miếu”.

 

Về phần bà Phi Yến, sau khi được cứu thoát khỏi hang đá đã tìm được đến phần mộ của con trai. Trải qua một vài biến cố, bà Phi Yến đã tự vẫn ở chân ngọn núi cao nhất Côn Đảo bây giờ, rồi được người dân lập miếu tên gọi “An Sơn Miếu”. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm; còn hoàng tử Hội An tên tục là hoàng tử Cải. Phải chăng, dân gian đã đúc kết câu chuyện bi thương trên thành câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”.

 

Đền thờ Bà Phi Yến – một trong những vị thần nữ được dân đảo tôn thờ.

 

Hàng năm, ngày 18- 10 âm lịch, người dân Côn Đảo lại làm cỗ chay để tổ chức lễ giỗ cho bà Phi Yến - vị thần nữ của đảo. Đền thờ bà Phi Yến nằm không xa hai hồ nước ngọt nuôi sống cả Côn Đảo, do vậy sự linh thiêng của đền thờ bà Phi yến càng tăng thêm. Dân buôn bán hay vay mượn gì cũng hay ra đền bà cầu xin hoặc tạ lễ.

 

Vị thần nữ thứ hai được người dân đảo suy tôn chính là Chị Võ Thị Sáu (Cô Sáu), người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang vùng quê Đất đỏ qua các giai thoại trung kiên, quật cường và sự hiển linh của Chị. Phần mộ Chị Võ Thị Sáu nằm tại khu trung tâm nghĩa trang Hàng Dương, được người dân trên đảo gọi thật gần gũi với cái tên “mộ cô Sáu”. Đó là một quần thể với kiến trúc đá xanh xen lẫn đá trắng, phía trước có một cây lê ki ma cổ thụ nhưng vóc dáng lại rất trẻ trung với những vòm lá lúc nào cũng xanh mướt, điểm xuyến sắc vàng của những trái lê ki ma sai trĩu chen dày đặc.

 

Mộ cô Sáu với những tấm bia đặc biệt mang nhiều truyền thuyết ly kỳ.

 

Mộ Cô Sáu có một nét rất đặc biệt là có đến 3 tấm bia ở phía trước và phần trung tâm của mộ với những câu chuyện ly kỳ. Năm 2005, sau khi khánh thành việc trùng tu mộ liệt sỹ Anh hùng Võ Thị Sáu, Nhà nước ta đã lập tấm bia đá màu xanh, đặt ở vị trí trung tâm của mộ. Trước đó khá lâu, sau thời tấm bia bằng đá thô sơ do những người bạn tù lập, mộ cô Sáu có tấm bia thứ hai, do chính vợ chồng chúa đảo Côn Đảo tên là Tăng Tư Tự Sao lập. Vị Thiếu tá quân đội cộng hòa này vốn người gốc Hoa, cai trị Côn Đảo trong giai đoạn 1964 - 1965. Như những chúa đảo khác và nhiều quân nhân trên đảo, Tăng Tư Tự Sao đưa vợ con ra Côn Đảo sinh sống. Thời gian này, vợ chúa đảo biết được câu chuyện lan truyền về chị Võ Thị Sáu. Bà bàn với chồng, âm thầm trở về đất liền, thuê người tạc bia người con gái anh hùng mang ra đảo.

 

Đối với danh phận chúa đảo khi đó, việc tạc một tấm bia mộ là hết sức đơn giản. Nhưng tạc bia mộ cô Sáu lại không như vậy, bởi không thể một tay chúa đảo của thực dân cai trị lại đi tạc bia người chiến sỹ cộng sản. Nhưng vì cảm phục tấm gương hy sinh của cô Sáu, và cũng vì chiều vợ, Tăng Tư Tự Sao đã đồng ý. Bia tạc xong, phải chọn đến đêm mưa tầm tã, bà vợ của chúa đảo mới dám cho thuyền rời đất liền. Rồi trực tiếp Tăng Tư Tự Sao đón vợ ở bến tàu Côn Đảo và đưa thẳng đến khu vực nghĩa trang Hàng Dương bây giờ. Trên tấm bia ấy, vợ chồng chúa đảo Tăng Tư đã kính cẩn xưng hô với cô Sáu là Liệt nữ.

 

Hơn nửa thế kỷ qua, người dân trên đảo truyền tai nhau “Cô Sáu mất thiêng lắm, hơn 12h đêm cô mới về”, vì vậy mộ cô Sáu duy trì một tập tục rất lạ của người dân và khách du lịch là đến thắp nhang cho cô khi trời đất chuyển giao từ đêm qua ngày. Từ 23 giờ đêm trở đi là thời điểm nơi này đông đúc. Hàng ngàn chiếc đền được thắp lên chiếu sáng toàn bộ nghĩa trang. Ngày 23 – 1 – 1952, ngày hi sinh của cô Sáu đã trở thành một trong hai lễ hội lớn nhất tại huyện đảo Côn Lôn. Ngày ấy là một ngày thiêng liêng đối với người dân Côn đảo cũng như tất cả du khách đến từ mọi miền của đất nước.

 

Đến với Côn Đảo, du khách không thể bỏ qua những nơi thờ tự linh thiêng khác như ngôi miêu nhỏ nằm ngay trong nhà tù ở Côn Đảo. Ngôi miếu xây lợp gạch ngói ngay giữa sân nhà lao do chính các cai ngục nhà lao Côn đảo do bị ám ảnh về các linh hồn của tù nhân đã mất mà hùn nhau xây dựng. Miếu này là dấu tích về tâm linh của một giai đoạn lịch sử anh hùng và bi thương của dân tộc.

 

Ngoài ra du khách có thể lên thăm quan chùa Núi Một, một ngôi chùa được xây dựng ngay lưng chừng núi với hàng trăm bậc đá kết xi măng. Chùa Núi một không có sư chụ trì, cảnh chùa hoang liêu tĩnh mịch. Từ chùa du khách có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Côn đảo với một bên là biển. Xa xa các đảo quây quần tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp giữa thiên nhiên. Khi leo xuống, du khách dừng chân lưng chừng núi để lễ tượng Phật bà Quan Âm. Nơi đây khung cảnh tĩnh lặng, nơi xa kia biển xanh ngắt tận chân trời, tiếng chim ríu rít xen trong tiếng gió rì rầm như lạc vào cõi thần tiên.

 

 

Đi du lịch Côn đảo là một hành trình bạn nhất định phải thử trong đời. Đến Côn đảo, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị đặc biệt. Côn đảo xưa kia là “địa ngục trần gian”, nay đã là một thiên đường, là điểm đến của du khách không chỉ ở Việt nam mà trên toàn thế giới.

 

Trải nghiệm những nơi thờ cúng linh thiêng ở Côn Đảo.

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác